Khái quát về biểu tượng Phật giáo (Thượng tọa Thích Nhật Từ)

bởi huy.nguyen
4.2/5 - (5 bình chọn)

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu thông tin và kiến thức về Biểu tượng phật hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

Lời Tòa soạn: Ban biên tập xin trân trọng trích đăng bài tham luận của Thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ được công bố tại Hội thảo khoa học “Phát huy tinh thần và biểu tượng Phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”, tổ chức vào ngày 10/11/2020 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ (quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội).

Biểu tượng Phật giáo (Buddhist symbolism) là phương pháp thể hiện nghệ thuật Phật giáo nhằm trình bày các phương diện triết lý Phật giáo bằng các biểu tượng. Bắt đầu từ thế kỷ thứ IV TCN, các biểu tượng Phật giáo chủ yếu là pháp luân, tam bảo, hoa sen, cây bồ đề, cái bát khất thực. Trong giai đoạn Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ I TCN, các biểu tượng như chữ vạn (swastika), chày kim cương (vajra), tám cát tường (astamangala) và các biểu tượng khác lần lượt ra đời.

Đến thế kỷ thứ I, các biểu tượng nhân hình Phật giáo (Buddhist anthropomorphic symbolism) bắt đầu xuất hiện với phong cách nghệ thuật Mathura và nghệ thuật Gandhara, mang bản sắc nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ – Hy Lạp (Indo Greco-Buddhist art).

Trong bài này, để góp phần gợi ý cho các nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam có dữ liệu tham khảo về loại hình của các biểu tượng Phật giáo, góp phần phát triển văn hóa biểu tượng của Phật giáo tại Việt Nam, tôi giới thiệu sơ lược một số biểu tượng Phật giáo phổ quát và các biểu tượng Phật giáo Đại thừa.

1. BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO PHỔ QUÁT

1.1. Tam bảo (P. tri-ratna; S. ti-ratana ; C. 三寶)

Tam bảo là biểu tượng thiêng liêng, quan trọng nhất đối với cộng đồng Phật giáo gồm (i) Đức Phật, bậc trí tuệ và từ bi (ii) Chân lý Phật dạy (dharma) giải phóng khổ đau và (iii) Tăng đoàn (Sangha), tập thể chân sư hướng dẫn mọi người học Phật và tu Phật1.

Biểu tượng Tam bảo thường được khắc họa qua các hình tượng: (i) Hoa sen trong vòng tròn, (ii) Chày kim cương (vajra), (iii) Bánh xe khánh hỷ (ananda-chakra), (iv) Chỉa ba (trisula) tượng trưng ba ngôi báu.

Biểu tượng Tam bảo trên tháp Sanchi. Tk 1 TTL.
Tam bảo trên tiền đồng Taxila, 185-168 TTL.
Tam bảo trên tháp Amaravati
Tam bảo trong Phật giáo Tây Tạng

1.2. Pháp luân (S. Dharmachakra, P. Dhammacakka)

Về từ nguyên, pháp luân theo Phật giáo có nghĩa là “bánh xe pháp” (wheel of true law), còn gọi là “bánh xe chân lý” (wheel of truth). Khái niệm “pháp” (dharma) bắt nguồn từ gốc từ “dhr” (nắm giữ, duy trì), có nghĩa là “điều được thành lập” (what is established or firm) hay “luật lệ” (law). Ngài Buddhaghosa giải thích rằng “bánh xe” do Đức Phật lăn được hiểu là trí tuệ hay tuệ giác (ñāna) gồm hai phần: Thứ nhất, trí tuệ tự chứng đắc (P. pativedha-ñāna) chân lý, thứ hai là trí tuệ tuyên thuyết chân lý (P. desanā-ñāna)2.

Pháp luân là biểu tượng chỉ cho chân lý Đức Phật, hướng đến giác ngộ, giải thoát, giải phóng mọi khổ đau. Dựa vào kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta), đại đế Asoka mô phỏng bánh xe pháp gồm 24 căm.

Về sau này, pháp luân được khắc họa là bánh xe tám căm, tượng trưng “thánh đạo tám ngành” gồm (i) Tầm nhìn chân chánh, (ii) Tư duy chân chánh, (iii) Lời nói chân chánh, (iv) Hành động chân chánh, (v) Mưu sinh chân chánh, (vi) Nỗ lực chân chánh, (vii) Chánh niệm hiện tiền, (viii) Đại định nhất tâm.

1.2. Pháp luân

1.3. Hoa sen (S. padma, C. 蓮花)

Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh của thân thể, lời nói và tâm thức như cách hoa sen từ bùn nhơ, vươn lên khỏi mặt nước, tỏa hương sắc, đầy đủ gương, nhụy, cánh, hạt.

Trong Kinh Tăng chi3, Đức Phật sánh ví Ngài như hoa sen vươn lên từ bùn (paduma), trở thành bậc vô uế khỏi tham ái trong cõi đời: “Giả sử có cây bông súng hoặc hoa sen trắng, hoa sen hồng. Dù được đâm chồi và lớn lên từ nước, hoa sen vươn lên khỏi mặt nước, đứng trên mặt nước mà nước không dính vào. Cũng vậy, Như Lai đã vượt khỏi 10 trói buộc, sống vô chấp, được giải thoát, tâm của Ngài vượt khỏi mọi giới hạn”.

Với phẩm chất: “Từ bùn, sen mọc; từ nước, sen trỗi dậy; trong ánh sáng, sen nở hoa”, hoa sen, bệ sen và tòa sen trong Phật giáo đã trở thành biểu tượng về tiềm năng vươn thành hiện thực. Biểu tượng hoa sen khích lệ tinh thần vượt qua mặc cảm, tự ti để mọi chúng sanh phấn đấu trở thành Phật tương lai, như câu chúc tụng: “Sen búp xin tặng người, một vị Phật tương lai”4.

1.3. Hoa sen
“Sen búp xin tặng người,một vị Phật tương lai”

1.4. Cây bồ đề (Bodhi tree)

Tên khoa học là “Ficus religiosa”, cây bồ đề vừa là biểu tượng Đức Phật, vừa là biểu tượng về sự giác ngộ tuyệt đối (ultimate enlightenment) của Đức Phật tại bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Bihar, Ấn Độ, vào ngày rằm tháng 4 năm 624 TCN. Về sau, lá bồ đề cũng trở thành biểu tượng giác ngộ của đạo Phật.

Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, cây bồ đề Ananda (Ananda bodhi) tại chùa Kỳ Viên (Jetavana) ở Xá-vệ được xem là cây bồ đề chiết nhánh đầu tiên từ cây bồ đề gốc trong thời Đức Phật. Tín ngưỡng lễ bái, cúng nước, kinh hành xung quanh cây bồ đề có mặt từ thời Đức Phật cho đến thế kỷ XIII tại Ấn Độ và thịnh hành ở Tích Lan từ thế kỷ III TCN đến nay5.

1.4. Cây bồ đề

1.5. Dấu bàn chân Phật (Buddhapada)

Dấu bàn chân Phật là biểu tượng Đức Phật trong Phật giáo nguyên thủy. Có hai hình thức dấu bàn chân Phật gồm dấu bàn chân Phật trên đá và dấu bàn chân Phật nhân tạo6. Dấu bàn chân Phật nhắc nhở cộng đồng Phật giáo về sự hằng hữu của Đức Phật trên cõi đời và con đường tỉnh thức của Ngài cần thực hiện để đạt giác ngộ, an vui. Dấu bàn chân Phật hiện có hơn 3.000 loại ở châu Á, trong đó, khoảng 300 ở Nhật Bản và 1.000 tại Tích Lan, với nhiều biến cách và chất liệu khác nhau7.

1.5. Dấu bàn chân Phật

1.6. Lá cờ Phật giáo thế giới (World Buddhist flag)

Là biểu tượng toàn cầu của Phật giáo, lá cờ Phật giáo được thiết kế vào năm 1885 tại Colombo, Tích Lan. Ủy ban thiết kế gồm 10 nhân vật: Thượng tọa Hikkaduwe Sri Sumangala Thera (chủ tịch), Thượng tọa Migettuwatte Gunananda Thera, Don Carolis Hewavitharana (cha của Anagarika Dharmapala), Andiris Perera Dharmagunawardhana (cha vợ của Anagarika Dharmapala), Charles A. de Silva, Peter De Abrew, William De Abrew (cha của ông Peter), H. William Fernando, N. S. Fernando và Carolis Pujitha Gunawardena (thư ký)8. Lá cờ Phật giáo được công bố vào ngày 28/4/1885 nhân dịp đại lễ Vesak tại Dipaduttamarama, Kotahena.

1.6. Lá cờ Phật giáo thế giới

Nhà báo Mỹ Colonel Henry Steel Olcott, Chủ tịch sáng lập Hội Thông thiên học (Theosophical Society), đề nghị điều chỉnh lá cờ nguyên thủy dài bằng với kích thước của cờ quốc gia, như chúng ta thấy hiện nay9. Năm 1889, lá cờ Phật giáo được Anagarika Dharmapala và Olcott dâng lên thiên hoàng Minh Trị (Meiji) và sau đó, dâng lên chính phủ Miến Điện10. Đến năm 1952, lá cờ Phật giáo được Hội liên hữu Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists) chính thức công bố là lá cờ Phật giáo quốc tế (International Buddhist Flag)11.

Năm sắc màu của lá cờ Phật giáo mang tính biểu tượng bao gồm: (i) Màu xanh dương (P=S. nīla) tượng trưng “từ bi phổ quát” (universal compassion), (ii) Màu vàng (P=S. pīta) tượng trưng “trung đạo”, (iii) Màu đỏ (P=S. lohitaka) tượng trưng cho “phước của sự thực hành” (blessings of practice) gồm thành tựu (achievement), trí tuệ (wisdom), phẩm đức (virtue), may mắn (fortune) và thân phận (dignity), (iv) Màu trắng (P. odāta; S. avadāta) tượng trưng sự thanh tịnh của chánh pháp (purity of dhamma) dẫn đến giải thoát, (v) Màu cam (P. mañjettha; S. mañjisthā) tượng trưng “trí tuệ của giáo pháp Phật” (wisdom of the Buddha’s teachings)12.

2. BIỂU TƯỢNG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

2.1. Chữ vạn (S. svástika, C. 萬字)

Tại các nước châu Á, chữ Vạn được sử dụng trang trí trên tường chùa, tranh vẽ, lá bồ đề và các sản phẩm mỹ thuật.

Chữ “svástika” (卐) trong Sanskrit có nghĩa là “mang lại phúc lợi” (conducive to well-being)13. Trong Ấn Độ giáo, chữ vạn tượng trưng “mặt trời” (surya), biểu tượng của thịnh vượng (prosperity)14. Chữ vạn ngược chiều kim đồng hồ được gọi trong Sanskrit là “sauvastika” (卍), thường được khắc ở giữa ngực Phật và lòng chân Phật trong Phật giáo Đại thừa.

Trong Phật giáo Đại thừa, chữ vạn là biểu tượng của thiêng liêng (divinity) và tâm linh (spirituality)15. Trong quá trình phát triển, chữ Vạn còn được dùng làm biểu tượng của cát tường (auspiciousness), may mắn (good fortune), thường hằng (eternity), sung túc (abundance), thịnh vượng (prosperity), số nhiều (plurality), phúc lợi (well-being) và trường thọ (long life).

2.1. Chữ vạn

2.2. Chày kim cương (S.vajra)

Trong Ấn Độ giáo, chày kim cương tượng trưng vũ khí không thể hủy diệt của thần Indra. Trong Mật tông Tây Tạng, chày kim cương đơn (single vajra) và chày kim cương đôi (viśvavajra, double vajra) được khắc họa gắn liền với độ cứng của kim cương (hardness of diamonds), ánh sáng (lightning)16.

Chày kim cương là vật biểu tượng cho trí tuệ siêu việt không thể hủy diệt (indestructibility of wisdom)17. Về sau, trong Mật tông, chày kim cương khắc họa trong chuông tay, tượng trưng cho “tánh không” (śūnyatā). Với biểu tượng kim cương, Phật giáo Mật tông Tây Tạng còn được gọi là Kim cương thừa (Diamond Way).

2.2. Chày kim cương

2.3. Chuông và tiếng chuông

Trong các trường phái Phật giáo Đại thừa, chuông đồng và tiếng chuông tượng trưng “sự tỉnh thức”18, nhắc nhở mọi người trở về chánh niệm bây giờ và tại đây, không nhiễm đắm trần cảnh.

Theo chức năng sử dụng trong các khóa lễ Phật giáo mà có nhiều loại chuông với tên gọi khác nhau gồm linh, khánh, chuông gia trì (standing bell)19, đại hồng chung (temple bell, great bell). Linh, khánh (ritual bell) và chuông gia trì được sử dụng trong các khóa lễ và tán tụng20. Đại hồng chung được gióng vào sớm khuya và chiều tối hoặc các lễ hội Phật giáo.

2.3. Chuông và tiếng chuông

2.4. Mắt Phật (eyes of the Buddha)

Con mắt Phật (eyes of Buddha) còn gọi là “mắt tuệ” (wisdom eye) thường được khắc họa sinh động tại tháp Swayambhunath và tháp Boudhanath tại Nepal. Theo Phật giáo Nepal, con mắt Phật tượng trưng cho trí tuệ siêu việt (nhất thiết trí) của Đức Phật, thấy rõ bản chất mọi sự vật như chúng đang là. “Đang khi” – điểm chấm giữa chân mày (urna) tượng trưng “sự tỉnh thức tâm linh” (spiritual awakening), còn được gọi là con mắt thứ ba của Phật (third eye of the Buddha)21. Lỗ mũi trong hình tượng này được khắc họa giống dấu hỏi, mà trong chữ Sanskrit và tiếng Nepal, chính là số 122 tượng trưng cho sự hợp nhất (unity).

Mắt Phật được sử dụng nhằm đánh thức tiềm năng giác ngộ có sẵn trong mỗi người. Biểu tượng này chỉ ra rằng muốn giải phóng nỗi khổ, niềm đau, con người cần phát triển trí tuệ thông qua chân lý Phật dạy để đạt thể tính giác ngộ tuyệt đối.

2.4. Mắt Phật

2.5. Tám cát tường (S. astamangala, C. 八吉祥, T. Wyl. bkra shis rtags brgyad, E. eight auspicious symbols)

Đây là bộ tám biểu tượng may mắn trong Phật giáo Đại thừa, đặc biệt ở Phật giáo Tây Tạng, Nepal và Trung Quốc, còn gọi là “cát tường bát bảo” (吉祥八宝). Tám biểu tượng cát tường này được cộng đồng Phật giáo Đại thừa sử dụng trang trí trong điện Phật hoặc phòng khách của tư gia. Trong Phật giáo Tây Tạng, tám cát tường thường vẽ ở nền chùa hay vách tường nhằm chào đón và chúc phúc cho khách viếng chùa.

Hoa sen

(i) Hoa sen (lotus flower) tượng trưng sự thanh tịnh (purity), xuất ly (renunciation) hay giác ngộ (enlightenment).

(ii) Nút vô tận (endless knot) còn gọi là Mandala tượng trưng sự hòa hợp vô tận của trí tuệ và từ bi (endless harmony of wisdom and compassion).

(iii) Cặp cá vàng (golden fish) bắt nguồn từ hình thức hai sông thiêng Ganges và Yamuna của Ấn Độ, tượng trưng cho hạnh phúc (happiness) và tự do (freedom).

(iv) Phướn chiến thắng (victory banner) tượng trưng sự chiến thắng của giáo pháp (victorious teachings) từ ý nghĩa “chiến thắng quân ma” (overcoming Mara).

(v) Pháp luân (wheel of the dharma) tượng trưng chân lý (dharma) mà cốt lõi là trí tuệ (wisdom).

(vi) Bình báu (treasure vase) tượng trưng báu vật và kho tang vô tận (inexhaustible treasure and wealth).

(vii) Bảo cái (parasol) tượng trưng sự bảo vệ (protection) và sự trung thành (royalty) với Đức Phật.

(viii) Vỏ óc xà cừ (conch shell) tượng trưng sự truyền bá chân lý của Đức Phật (spreading the teachings of the Buddha) khắp nơi không sợ hãi và vô ngại.

2.6. Bánh xe thời gian (S. Kalachraka)

Thời luân, còn gọi là “kim cương thời luân”, là biểu tượng về mười lực của Đức Phật. Ở phạm vi rộng hơn, thời luân còn biểu tượng cho mười phương Phật trong Phật giáo Đại thừa. Mười lực của Như Lai bao gồm24:

1. Tri thị xứ phi xứ trí lực (C. 知是處非處智力, S. sthānāsthānajñāna, P. sthānāsthāna-ñāna): Biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp;

2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực (C. 知三世業報智力, S. karmavipākajñāna, P. kammavipāka-ñāna): Biết rõ luật nhân quả, quả báo, tức là Nghiệp nào tạo quả nào;

3. Tri nhất thiết sở đạo trí lực (C. 知一切所道智力, S. sarvatragāminīpratipajjñāna, P. sabbattha-gāminī-patipadāñāna): Biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến con đường tái sinh nào;

4. Tri chủng chủng giới trí lực (C. 知種種界智力, S. anekadhātu-nānādhātujñāna, P. anekadhātu-nānādhātu-ñāna): Biết rõ các thế giớivới những yếu tố thành lập của chúng;

5. Tri chủng chủng giải trí lực (C. 知種種解智力, S. nānādhimukti-jñāna, P. nānādhimuttikatāñāna): Biết rõ cá tính của chúng sinh;

6. Tri nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực (C. 知一切眾生心性智力, S. indriyapārapara-jñāna, P. indriyaparopariyatta-ñāna): Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mọi chúng sinh;

7. Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực (C. 知諸禪解脫三昧智力, S. sarvadhyāna-vimoksa-…-jñāna, P. jhāna-vimokkha-…-ñāna): Biết tất cả các cách thiền định;

8. Tri túc mệnh vô lậu trí lực (C. 知宿命無漏智力, S. pūrvanivāsānusmrti-jñāna, P. pubbennivāsānussati-ñāna): Biết rõ các tiền kiếp của chính mình;

9. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực (C. 知天眼無礙智力, S. cyutyupapādajñāna, P. cutūpapāta-ñāna): Biết rõ sự tiêu huỷ và tái xuất của chúng sinh;

10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (C. 知永斷習氣智力, S. āsravaksayajñāna, P. āsavakkhaya-ñāna): Biết các lậu hoặc (S. āsrava) sẽ chấm dứt như thế nào.

2.6. Bánh xe thời gian

2.7. Các ấn tướng (S. Mudra)

Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa, các ấn tướng (S. mudra, hand gestures) là các tư thế tay được sử dụng làm biểu tượng triết lý Phật giáo trong nghệ thuật tượng hình. Bài viết sẽ giới thiệu năm ấn tướng quan trọng trong nghệ thuật hình tượng Phật giáo, gồm: ba ấn tướng ngồi và hai ấn tướng đứng phổ quát nhất trong Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

Ấn thiền định (S.dhyana mudra): được khắc họa trong tư thế thiền tọa, lòng bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, đặt ở vị trí đan điền. Ấn tướng này là biểu tượng của tu tập thiền định, làm chủ thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức, nhằm kết thúc toàn bộ phiền não, chuyển thức thành trí, trở thành bậc giác ngộ.

Ấn xúc địa (S. bhumisparsha mudra): được ghi nhận trong thời điểm Đức Phật giác ngộ tuyệt đối dưới cội bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, Gaya, Bihar, Ấn Độ. Từ “bhumisparsha” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “tiếp xúc trái đất” (touching the earth). Do vậy, ấn xúc địa còn được gọi là “ấn mắt chứng kiến” (eye witness mudra). Ấn tướng này được khắc họa trong tư thế thiền tọa, năm ngón tay phải tiếp xúc đùi phải, lòng tay trái ngửa lên, đặt ngang đan điền.

Ấn chuyển pháp luân (S.dharmachakra mudra): được khắc họa trong tư thế thiền tọa, hai tay đặt trước ngực, ngón cái và ngón trỏ tạo thành vòng tròn, ba ngón còn lại song song hơi cong, hướng lên trên. Ấn tướng này tượng trưng “bốn chân lý thánh” và sự lăn chuyển bánh xe chân lý của Đức Phật trong đời, nhằm khép lại khổ đau, mang lại an vui và hạnh phúc cho con người.

Ấn chuyển pháp luân

Ấn vô úy (S. abhaya mudra): được khắc họa trong tư thế đứng, bàn tay trái ngửa ra trước, duỗi xuống đùi trái, trong khi, bàn tay phải ngửa lên trên, ngang với vị trí lỗ mũi. Trong Sanskrit, chữ “abhaya” có nghĩa là không sợ hãi (fearlessness). Ấn tướng vô úy tượng trưng cho niềm vui do thoát khỏi mọi lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, bất an như kết quả của sự thực hành của bốn chân lý thánh.

Ấn vô úy

Ấn hòa bình (peace gesture): được khắc họa trong tư thế đứng, hai tay duỗi ra trước ngực, lòng bàn tay ngửa lên, tạo thành góc 900 với hai cánh tay. Ấn hòa bình này tượng trưng sự hòa bình nội tại (inner peace) và hòa bình ngoại tại (external peace). Mặt trước của tháp Đại giác ngộ tại Bồ đề đạo tràng có tượng Phật đứng với ấn tướng hòa bình. Tại Thái Lan và một số nước Nam truyền, ấn tướng này rất phổ biến.

* * *

Ở Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Đại thừa Mật tông, các biểu tượng Phật giáo rất đa dạng, phong phú, bao gồm vài chục ấn tướng tay. Ngoài ra, Phật giáo Đại thừa còn có các biểu tượng về màu sắc và các pháp khí, Phật cụ khác.

Bài viết này cung cấp một số thông tin hữu ích, nhằm gợi ý và khích lệ nghệ nhân các làng nghề truyền thống Việt Nam hãy đầu tư vào việc sáng tác các biểu tượng nghệ thuật Phật giáo cho sản phẩm văn hóa Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo trong các sản phẩm nghệ thuật Việt Nam.

* Thượng tọa Thích Nhật Từ: Ủy viên HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Chú thích:

1. Thanissaro, Refuge: An Introduction to the Buddha, Dhamma, & Sangha. Third edition, revised, 2001.

2. T.B. Karunaratne (1969), The Buddhist Wheel Symbol, The Wheel Publication No. 137/138, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.

3. Thích Nhật Từ dịch từ bài kinh “Bāhuna suttam” trong AN 10.81 và so sánh với kinh “Dona suttam” trong AN 4.36, dựa vào bản tiếng Anh của Bhikkhu Sujato: “Suppose there was a blue water lily, or a pink or white lotus. Though it sprouted and grew in the water, it would rise up above the water and stand with no water clinging to it. In the same way, the Realized One has escaped from ten things, so that he lives unattached, liberated, his mind free of limits”.

4. Thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: https://langmai.org/thien-duong/sen-bup-tung-canh-he/.

5. Archaeological Survey of India, Volume 1, Four Reports Made During the Years 1862-63-64-66. Về nguồn gốc cây bồ-đề, tham chiếu, Gopal, Madan (1990). K.S. Gautam (ed.). India through the ages. Publication Division, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India. p.176.

6. Tham chiếu: Cicuzza, Claudio, A Mirror Reflecting the Entire World. The Pāli Buddhapādamangala or “Auspicious signs on the Buddha’s feet”. Critical edition with English Translation, Materials for the Study of the Tripitaka, vol. VI, Lumbini International Research Institute, Bangkok and Lumbini 2011, p.xxi; Nandana Chutiwongs, “The Buddha’s Footprints”, Ancient Ceylon 10 (1990), p.60, và Strong, John S. (2004). Relics of the Buddha (Buddhisms: A Princeton University Press Series). Princeton University Press.

7. Người có công công bố là Motoji Niwa (丹羽基二, Niwa Motoji). Tham chiếu: “Footprints of the Buddha”. Buddha Dharma Education Association Inc. 2008. Retrieved 2008-05-11.

8. The Maha Bodhi, Volumes 98-99; Volumes 1891-1991. Maha Bodhi

9. “The Origin and Meaning of the Buddhist Flag”. The Buddhist Council of Queensland. Retrieved 2 April 2015.

10. “Buddhist flag marks 125th anniversary”. Sunday Observer. 16 March 2010. Retrieved 8 November 2018.

11. Wilkinson, Phillip (2003). DK Eyewitness Books: Buddhism. Penguin P11.

12. “The Buddhist Flag”. Buddhanet. Retrieved 2 April 2015.

13. Liungman, Carl G., Symbols: Encyclopedia of Western Signs and Ideograms, HME Publishing (2004).

14. “The Swastika or WAN Symbol in Asian Art – The Heart of Buddha”. Buddhas-online.com. Retrieved 2013-11-22.

15. Tham chiếu: “swastika” (symbol) trong Encyclopædia Britannica. Britannica.com. 1935-09-15. Retrieved 2013-11-22.

16. Tham chiếu: Douglas Q. Adams (1997). Encyclopedia of Indo-European Culture. Routledge. p.112

17. Tham chiếu: Beer, Robert (1999). The Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motifs, Shambhala, Boston, và quyển Vessantara (2001). The vajra and bell, Birmingham.

18. Tham chiếu, “The Meaning of Burning Incense and Ringing Bells in Buddhism”. Retrieved 2018-10-11.

19. Tham chiếu chủng loại chuông Phật giáo và Ấn Độ giáo, hãy đọc: Kunst, Jaap (1968). Hindu-Javanese Musical Instruments (2nd ed.). The Hague: Matinus Nijhoff. pp.50-53; và Aarts, Ronald M; Ouweltjes, Okke; Bulut, Murtaza (1 January 2014). “An Electro-Acoustic Implementation of Tibetan Bowls: Acoustics and Perception”. Noise & Vibration Worldwide. 45 (1): 12-23.

20. Tham chiếu sách, Price, Percival (1983). “Introduction”. Bells & Man. Oxford University Press.

21. Tham chiếu https://www.burmese-art.com/blog/omnipotent-of-buddha-eyes

22. Tham chiếu http://www.religionfacts.com/buddha-eyes.

23. Xem chi tiết trong mục “astamangala” trong sách: (i) Beer, Robert (1999). The Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motifs, (Hardcover). Shambhala Publications, và (ii) Beer, Robert (2003). The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols, Shambhala Publications.

24. Trích dẫn từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%ADp.

You may also like